Bài học hay
Vị thiền sư trồng hoa lan

Vị thiền sư trồng hoa lan

Có một vị thiền sư trồng hoa lan. Ngoài việc giảng kinh, thuyết pháp, ngài dành rất nhiều thời gian để trồng và chăm sóc hoa lan.

Một ngày nọ, vì có việc cần đi xa, thiền sư dặn các đệ tử: “Hãy chăm sóc tốt tất cả hoa lan trong chùa”. Các vị đệ tử cũng chăm sóc hoa rất chu đáo. Nhưng có một lần, trong khi tưới hoa, một vị với tay mất đà té vào cột đỡ làm đổ giàn hoa, khiến vài chậu hoa rơi vỡ, cành lan gãy rơi đầy xuống đất. Các đệ tử rất hoảng sợ, lo rằng sư phụ trở về sẽ quở trách, trừng phạt.

Khi thiền sư trở về biết chuyện, ngài liền gọi tất cả đệ tử đến mà nói: “Ta trồng hoa lan để dâng Phật và làm đẹp cảnh chùa, chứ không trồng hoa lan để sân si”.


Vị thiền sư ấy trồng hoa lan vì coi hoa như phương tiện để gửi gắm lòng thành hướng về Đức Phật, cũng có thể lấy vẻ đẹp của hoa mà góp phần trang nghiêm cảnh chùa. Ngài không vì ai xui khiến, dẫn dụ mà trồng hoa, chỉ do tự thân thấy đáng làm, muốn làm, thì ngài tự nguyện làm. Những việc chúng ta làm trong cuộc sống, nếu cũng được nhìn nhận như việc trồng hoa lan của thiền sư, thì việc gì cũng sẽ đầy vẻ đẹp và tính nuôi dưỡng.

Thiền sư dành thời gian, công sức và nhiệt tâm cho hoa lan, nhưng không vì thế mà ngài sinh lòng oán giận, trách móc khi có người đệ tử làm hỏng giàn, chết hoa. Đó là vì ngài hiểu rằng mọi chuyện đều có nhân duyên của nó. Lan có duyên của lan, người có duyên của người, khi sự việc xảy đến thì đó là lúc đủ duyên để nó xảy đến. Thiền sư không nổi giận và mắng nhiếc đệ tử, không phải vì ngài kìm nén, không phải ngài cố gắng giữ bình tĩnh, mà vì ngài hiểu biết về nhân-quả, nhờ có trí tuệ mà ngài không rơi vào si mê và sân hận. Nội tâm trong sáng từ hòa, rộng rãi đón nhận, chính là lòng bao dung. Nếu ta cần một lí do thỏa đáng, cần một lời giải thích và xin lỗi, cần phải trừng phạt rồi mới cho qua… thì không có gì là bao dung nữa cả.

Sự cố xảy ra với giàn hoa lan đã xảy ra như thế. Thiền sư chỉ thấy hoa lan đã rơi, giàn cây đã đổ, chứ không giả định và phán xét rằng đệ tử của mình đã bất cẩn, đã không nghe lời, hay thậm chí là cố tình phá hỏng giàn hoa. Sự việc thế nào, công nhận như thế, đó là sự nhìn nhận chân thật. Dĩ nhiên đằng sau mỗi sự việc luôn có vô vàn nhân duyên đan xen phức tạp, nhưng ta nào biết được điểm khởi đầu của chuỗi nhân duyên ấy. Không phải là ta cần phủ nhận nguyên nhân của sự việc, bởi vì phủ nhận như thế là không còn đúng sự thật nữa. Chỉ là, cho dù không thể truy tìm tới tận cùng của các nhân duyên ấy, ta vẫn có thể hiểu rằng nhân duyên không chỉ bắt đầu từ một hành động hay một con người nào để ta có thể quy kết tội lỗi và phán xét riêng một cá nhân. Tâm thái an nhiên điềm tĩnh của vị thiền sư cũng không phải do ngài phải cố tình giả tạo khi ứng xử với đệ tử. Trong lòng ra sao, bộc lộ ra như thế, đó là sự biểu hiện chân thật.

Sống một kiếp người, trải qua mọi hoàn cảnh, chứng kiến mọi sự việc, cũng chỉ để chúng ta có thể học ra các bài học của mình và thấu hiểu ý nghĩa nhân sinh, chứ không phải để bất bình và đấu tranh với thực tại. Chủ động làm điều mình muốn làm (tự nguyện), ung dung đón nhận những gì xảy đến (bao dung), thấy sao biết vậy, nghĩ sao nói vậy, muốn sao làm vậy (chân thật)… thực ra không có gì là to tát và xa vời cả, đó là sống với những gì gần gũi, thuận pháp, nhất quán và hài hòa. Không nuối tiếc và oán trách quá khứ, không lo lắng và kì vọng tương lai, chỉ đặt tâm ý vào hiện tại, làm những gì lúc này mình có thể, đó chính là sống một đời sống thiết thực, có lợi ích ngay bây giờ.

0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *