Giá trị cốt lõi
Tuần giá trị #07: CHÂN THẬT

Tuần giá trị #07: CHÂN THẬT

Từ thứ hai 18/04 đến chủ nhật 24/04/2022, chúng ta cùng chiêm nghiệm về sự chân thật trong đời sống cá nhân, đời sống xã hội, trong công việc, và trong hành trình học tập cùng CLB Sách Hạnh Phúc.

Sự chân thật biểu hiện như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
Ta có thuận lợi hay khó khăn gì với việc nhìn nhận về sự thật và sống với sự thật?


Các ý tưởng, ý kiến, quan điểm, niềm tin của chúng ta được hình thành từ những trải nghiệm, suy tư, tình cảm và giới hạn nhận thức của bản thân. Chúng phản ánh quá trình nhận thức và đúc kết trong tâm thức ta chứ không phản ánh nguyên vẹn thực tại. Ý thức về điều này có thể giúp chúng ta công nhận những gì đang diễn ra trong tâm trí mình nhưng bớt đặt lên chúng tầm quan trọng để phải nỗ lực bảo vệ, nâng tầm cho chúng.

Khi chúng ta đặt sức mạnh của mình vào những niềm tin hạn chế, ta làm nên những giới hạn về nhận thức và trải nghiệm trong đời sống của bản thân. Bằng sự hoài nghi, chúng ta dừng tiếp thêm sức mạnh cho những niềm tin hạn chế, và bước vào hành trình củng cố sức mạnh của sự hiểu biết chân thật.

B.C. (Thứ năm 21/04/2022)

Nhất quán và hài hòa là hai đặc tính cần thiết để làm cơ sở cho sự chân thật.

Nhất quán nghĩa là dựa vào cùng nguyên lí, quy luật để hành xử. Thời gian, địa điểm khác nhau có thể cần sự hành xử linh hoạt và tùy thuận bối cảnh và các đối tượng liên quan. Khi cách thức linh hoạt vẫn thể hiện nguyên tắc thống nhất thì sự chân thật được bảo toàn.

Hài hòa là đặt các yếu tố liên quan vào một tổng thể có liên kết và nâng đỡ cho nhau. Vì bản chất của sự thật là hài hòa, bên trong sự thật không có sự mâu thuẫn, phi lí, nên thái độ hài hòa cũng giúp cho sự chân thật trong chúng ta được củng cố. Nếu chúng ta mong muốn sống chân thật nhưng lại gây ra xung đột bên trong mình, thì đó là dấu hiệu nhắc nhở rằng có điều gì đó ta chưa thấy rõ ràng và đầy đủ trong mình.

Sự nhất quán và hài hòa cho phép chúng ta sống chân thật một cách nhẹ nhàng, không cần nỗ lực.

B.C. (Thứ bảy 23/04/2022)

Muốn hành xử chân thật với xã hội bên ngoài, cần cư xử chân thật với thế giới bên trong. Thế giới bên trong chúng ta vận hành bằng các nhu cầu, cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, nguyên tắc, thói quen, và các lực tâm linh vi tế… Chân thật tức là nhận ra, công nhận sự tồn tại của chúng và sống phù hợp (nhất quán và hài hòa) với những gì mà thế giới bên trong đang hướng tới.

Trạng thái mù mờ, mông lung, không thấy rõ thế giới bên trong (tức là vô minh) là nguyên nhân của đời sống không chân thật, thiếu nhất quán và hài hòa, thường gây ra xung đột bên trong, dẫn đến xung đột với bên ngoài.

Khi thấy rõ bản thân và sống với sự tường minh thì đời sống của chúng ta sẽ trở nên chân thật, hài hòa và nhất quán.

B.C. (Chủ nhật 24/04/2022)
0
Tags :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *